Mục tiêu Chiến lược Phát triển ngành cơ khí Việt Nam theo Quyết định số 319/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đề ra, đến năm 2025 ngành cơ khí được phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu hơn nữa vào giá trị toàn cầu; giai đoạn đến năm 2030 đạt 40% tổng sản lượng ngành cơ khí, đến năm 2035 đạt 45% tổng sản lượng ngành cơ khí.
Cụ thể, đến năm 2025, tập trung phát triển một số phân ngành cơ khí ô tô, máy kéo, máy nông nghiệp, thiết bị công trình; sau năm 2025 hình thành một số tổ hợp nhà thầu tư vấn và chế tạo có khả năng làm chủ công tác thiết kế, chế tạo nhóm thiết bị phụ, gói thầu EPC của các công trình công nghiệp; hình thành một số nhà thầu tư vấn và chế tạo có khả năng làm chủ công tác thiết kế, chế tạo nhóm thiết bị phụ công trình công nghiệp…
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh, thời gian qua cơ khí là ngành công nghiệp nền tảng được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, trở thành một trong những ngành then chốt của nền kinh tế.
Theo ông Phạm Tuấn Anh, ngành cơ khí trong nước từng bước làm chủ và nâng cao tỷ lệ nội địa hoá, tạo động lực thúc đẩy ngành công nghiệp và kinh tế phát triển, qua đó trực tiếp và gián tiếp tạo việc làm cho hàng triệu lao động. Tuy nhiên, “doanh nghiệp cơ khí đang đối mặt với những hạn chế, như cạnh tranh từ sản phẩm nhập khẩu tương đối gay gắt, thiếu thông tin thị trường và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước chưa đủ mạnh”- ông Phạm Tuấn Anh chỉ rõ.
Từ thực tiễn đặt ra, theo ông Phạm Tuấn Anh, doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc thay đổi tư duy, đổi mới công nghệ để tạo ra lợi thế cạnh tranh với các sản phẩm nước ngoài. “Tin rằng với sự đồng lòng quyết tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành, các hiệp hội và doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam sẽ được phát triển mạnh mẽ, từng bước gia tăng khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; giúp ngành công nghiệp cơ khí nói riêng và công nghiệp Việt Nam nói chung phát triển, góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho nền kinh tế”- ông Phạm Tuấn Anh cho hay.
Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp tháo gỡ các khó khăn; đồng thời đánh giá và đưa ra những nhận định về kiến tạo thị trường cho doanh nghiệp cơ khí và tự động hoá, từ đó nhằm thúc đẩy năng lực nội tại của doanh nghiệp, cải thiện vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo Tổng thư ký Hiệp hội VAMI Nguyễn Chỉ Sáng, hiện ngành cơ khí đang đối mặt với việc giảm sút về đơn hàng từ trong nước lẫn từ nước ngoài do ảnh hưởng của đại dịch, số lượng các công trình công nghiệp được khởi công giảm làm đơn hàng trong nước đã ít lại càng ít hơn, ảnh hưởng của biến động thế giới làm cho đơn hàng giảm sút, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngành cơ khí đang phải tìm mọi biện pháp để giữ cho doanh nghiệp tồn tại và phát triển.
Theo đó, Tổng Thư ký Hiệp hội VAMI nhấn mạnh tầm quan trọng của Chính phủ, của các Bộ, ngành trong việc ban hành những cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy kiến tạo thị trường, định hướng phát triển cho doanh nghiệp. Trong đó, đề xuất một số kiến nghị xây dựng chiến lược tổng thể phát triển ngành công nghiệp, đặc biệt là các ngành có giá trị đầu tư lớn; tiếp tục chương trình công nghiệp hỗ trợ với những cơ chế chính sách bổ sung và cập nhật cần thiết; điều chỉnh một số luật, quy định bất cập như: Bỏ các giấy phép con trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xem xét lại việc đánh thuế cho sản phẩm hoàn chỉnh; bỏ cấp chứng chỉ hành nghề đối với các cá nhân đã được đào tạo đúng chuyên ngành…
Về phía Hiệp hội VAMA, ông Ninh Hữu Chấn – Tổng Thư ký cũng có những nhận định, chia sẻ về việc phát triển nhà cung cấp để từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp ô tô. Cụ thể khi đề cập đến ngành sản xuất linh kiện cho lĩnh vực ô tô, ông Chấn cho rằng, bên cạnh những lợi thế như nguồn nhân lực chất lượng cao, chi phí thấp, giảm chi phí vận chuyển, ngành sản xuất còn đối mặt với một số khó khăn về quy mô thị trường, sự thiếu hụt ngành công nghiệp vật liệu, thiếu kinh nghiệm quản trị. Đồng thời, Hiệp hội VAMA cũng đưa ra những nhận định về ngành công nghiệp hỗ trợ trong quá trình chuyển đổi sang xe điện – một trong những chủ đề đang được quan tâm hiện nay.
Tại hội thảo, một số doanh nghiệp trong ngành cơ khí và tự động hoá cũng chia sẻ những khó khăn đang đối diện trong quá trình kinh doanh sản xuất. Đồng thời kiến nghị, đề xuất một số giải pháp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, ngành cơ khí phát triển, tạo được sự đột phá trong tương lai.
Trong khuôn khổ hội thảo, với mục đích thúc đẩy phát triển công nghiệp cơ khí Việt Nam, cơ hội tạo thêm đơn hàng mới cho doanh nghiệp nội địa…, một số doanh nghiệp đã tham gia trưng bày sản phẩm, linh phụ kiện đến từ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Nguồn: moit.gov.vn