HỆ THỐNG ĐÀO TẠO NGHỀ KÉP CỦA CỘNG HÒA LIÊN BANG ĐỨC VÀ GIÁ TRỊ THAM KHẢO VỚI VIỆT NAM

 VÀ GIÁ TRỊ THAM KHẢO VỚI VIỆT NAM

Xét trên giác độ lao động thì hệ thống đào tạo nghề kép là chìa khóa thành công của nền kinh tế CHLB Đức. Bài viết dưới đây nhằm giới thiệu tổng quan về hệ thống đào tạo kép của CHLB Đức và mô tả sự vận hành của hệ thống này bao gồm các nội dung về chương trình đào tạo, quá trình triển khai đào tạo, giáo viên, người dạy, chuẩn đào tạo và kiểm tra, đánh giá cấp bằng tốt nghiệp.

1. Tổng quan về hệ thống đào tạo nghề kép của CHLB Đức:

Trong hệ thống đào tạo này, người học được đào tạo khoảng 70% thời gian tại nơi làm việc và 30% còn lại ở các trường nghề. Chính vì người học được đào tạo 2 nơi nên hệ thống đào tạo này được gọi là “kép”. Cần lưu ý làtốt nghiệp THCS ở CHLB Đức, người học có 3 lựa chọn để học cao hơn là (i) học nghề kép, (ii) học nghề toàn thời gian tại các trường nghề[1] hoặc (iii) học đại học. Như vậy, mô hình đào tạo kép chỉ là một trong 2 mô hình đào tạo nghề của CHLB Đức. Điều này cũng lý giải vì sao một trường nghề của Đức thường vừa có học sinh theo mô hình kép vừa có học sinh theo mô hình đào tạo toàn thời gian tại trường.

Theo số liệu năm 2018 của Viện nghiên cứu đào tạo nghề liên bang (BIBB) thì khoảng 52% dân số ở độ tuổi 16 – 24 tham gia hệ thống đào tạo nghề kép. Mức phụ cấp đào tạo trung bình cho người học được người sử dụng lao động trả là 876 euro/tháng. Quy mô hệ thống đào tạo kép khoảng 1,32 triệu người/năm với độ tuổi trung bình của người tham gia học là 19,4 tuổi. Về cơ cấu người học, theo số liệu năm 2016, trong tổng số học viên mới tuyển (hay số hợp đồng mới đượcngười sử dụng lao động ký với người học nghề kép) là 520.332 hợp đồng thì 58,5% trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo, 27,2% trong lĩnh vực thủ công, còn lại là trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ công và nghề tự do.

Hiện có khoảng 20% các doanh nghiệp tham gia đào tạo kép.Trung bình 95% số người học tốt nghiệp có việc làm,trong đó khoảng 68% người học tiếp tục được công ty nhận đào tạo thuê tuyển ký hợp đồng lao động. Mức đầu tư trung bình cho một người học nghề kép là 18.000 euro/năm nhưng khoảng 2/3 tổng chi phí sẽ được bù đắp từ việc tham gia của người học trong quá trình sản xuất kinh doanh.Với quy mô và hiệu quả đào tạo của mô hình như vậy nên đào tạo kép được gọi là trụ cột của hệ thống đào tạo nghề ở CHLB Đức.

Đại diện Viện Nghiên cứu đào tạo nghề CHLB Đức (BIBB) trình bày với các đại diện từ 16 quốc gia tham dự Chương trình học tập về hệ thống đào tạo kép tại CHLB Đức từ ngày 16-22/9/2018.

2. Vận hành của hệ thống đào tạo nghề kép:

– Triển khai đào tạo tại doanh nghiệp và trường nghề:

Đào tạo tại doanh nghiệp:

Đào tạo tại doanh nghiệp phải tuân thủ quy định do Chính phủ liên bang ban hành. Các doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đăng ký với Phòng Thương mại[2]quản lý trên địa bàn để được cấp phép đào tạo. Người học muốn học nghề theo mô hình đào tạo nghề kép thường chủ động tìm thông tin và nộp hồ sơ đăng ký với doanh nghiệp. Lưu ý là người học tìm đăng ký học với doanh nghiệp chứ không phải với trường nghề dù khoảng 30% thời lượng ở trường nghề là bắt buộc. Các doanh nghiệp sau kiểm tra hồ sơ và năng lực thực tế của người học, nếu thấy đáp ứng yêu cầu,doanh nghiệp và người học sẽ ký hợp đồng đào tạo. Hợp đồng giữa 2 bên là căn cứ pháp lý điều chỉnh quá trình triển khai hợp đồng của doanh nghiệp. Nội dung của hợp đồng tương tự như hợp đồng lao động, cụ thể gồm các nội dung: thời gian đào tạo, thời gian bắt đầu, kết thúc đào tạo, ngày nghỉ, nội dung đào tạo, phụ cấp đào tạo người học được hưởng và việc thanh lý hợp đồng. Doanh nghiệp bắt buộc triển khai đào tạo trong các điều kiện làm việc thực tế (người dạy là lao động trong doanh nghiệp, thiết bị hiện đại…), phải trả phụ cấp đào tạo cho người học trên cơ sở thỏa thuận giữa 2 bên, và chi trả các chi phí khác.

Nội dung đào tạo tại doanh nghiệp chủ yếu là kỹ năng thực hành tại nơi làm việc và phải tuân thủ chuẩn đào tạo tại doanh nghiệp. Người dạy ở doanh nghiệp toàn thời gian phải phải có bằng cử nhân nghề – master craftsman do Phòng thương mại quản lý và kiểm soát – tương đương bậc cử nhân hệ hàn lâm. Với người dạy bán thời gian thì không cần phải có chứng chỉ chính quy nào, yêu cầu chỉ là lao động có kỹ năng của công ty. Các phòng thương mại có trách nhiệm đăng ký cấp phép hành nghề cho người dạy tại doanh nghiệp.

+ Đào tạo tại trường nghề:

Khác với đào tạo tại doanh nghiệp trong đào tạo kép do Chính phủ Liên bang quy định, đào tạo tại trường nghề lại do chính quyền từng bang[3] quy định. Chính quyền các bang đầu tư và chi trả toàn bộ chi phí đào tạo tại các trường nghề. Việc giám sát quá trình đào tạo tại trường nghề bao gồm đánh giá chất lượng do cơ quan thanh tra trường học – thuộc chính quyền từng bang thực hiện.

Nội dung đào tạo tại trường nghề trong đào tạo kép thực hiện theo chương trình khung (framework curriculum) bao gồm các môn học cơ sở để học chuyên ngành và các nội dung lý thuyết chuyên ngành để hỗ trợ việc đào tạo tại doanh nghiệp, các môn học khác như kỹ năng mềm, ngoại ngữ, thể chất…

Giáo viên tại trường nghề gồm: giáo viên dạy môn chung, lý thuyết nghề và giáo viên dạy các môn thực hành nghề. Yêu cầu với giáo viên là phải có bằng Thạc sỹ tương đương bậc 7 trong Khung trình độ quốc. Giáo viên được đào tạo  2 giai đoạn gồm giai đoạn học ở trường đại học (từ 4,5-5 năm, trong đó có thực hành tại một trường nghề và một doanh nghiệp) và giai đoạn tập sự kéo dài từ 1 đến 2 năm để quan sát giảng dạy cũng như trực tiếp giảng dạy có người giám sát. Người học phải thi đỗ kỳ thi kết thúc mỗi giai đoạn mới được tốt nghiệp.

– Chuẩn đào tạo:

Chuẩn đào tạo trong mô hình đào tạo kép gồm chuẩn đào tạo tại doanh nghiệp (training regulations) và chương trình khung (curriculum framework)  đào tạo các trường nghề. Chuẩn đào tạo tại doanh nghiệp do Bộ Liên bang (Federal Ministry) thường là Bộ Liên bang Công nghiệp và Năng lượng (BMWi) ban hành sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Liên bang Giáo dục và Nghiên cứu. Đã có chuẩn đào tạo cho 328 ngành nghề đào tạo (training occupations) trong hệ thống đào tạo nghề kép. Nội dung chuẩn đào tạo đối với từng nghề bao gồm các nội dung sau (i) tên nghề đào tạo (ii) thời gian đào tạo (iii) Mô tả kiến thức, kỹ năng và năng lực cần đạt được cho ngành nghề đào tạo, (iv) hướng dẫn kế hoạch triển khai đào tạo, cơ cấu phân bổ về nội dung và lịch trình đào tạo (v) các yêu cầu kiểm tra đánh giá người học cần biết để đạt yêu cầu đào tạo.

Chương trình, kế hoạch đào tạo tại doanh nghiệp đảm bảo hài hòa với chương trình khung tại các trường nghề để nội dung đào tạo tại 2 địa điểm phù hợp và bổ sung cho nhau. Chính phủ từng bang cũng căn cứ chuẩn đào tạo tại doanh nghiệp khi xây dựng hoặc cập nhật chương trình khung đào tạo tại trường nghề.

Điểm đáng chú ý là quy trình xây dựng, cập nhật chuẩn đào tạo nghề kép thường không kéo dài quá một năm để đáp ứng phát triển kinh tế và sự thay đổi công nghệ nhanh chóng. Doanh nghiệp là chủ thể chủ động xác định, đề xuất các nội dung mới tại nơi làm việc cần được đào tạo và căn cứ đề xuất của doanh nghiệp, Viện BIBB là cơ quan nghiên cứu của Chính phủ Liên bang phối hợp với các chuyên gia từng ngành, nghề (do ngành/người sử dụng lao động đề xuất) và các tổ chức công đoànđể xây dựng các chuẩn đào tạo tại doanh nghiệp. Viện BIBB cũng nghiên cứu, xuất bản các tài liệu hướng dẫn thực hiện các chuẩn đào tạo trong doanh nghiệp như: giải thích mục tiêu học tập trong kế hoạch dào tạo chung, hướng dẫn cho người dạy, người kiểm tra, đánh giá kết quả đào tạo, hướng dẫn với người học, kết cấu bài thi, cách thức thiết kế kế hoạch đào tạo, mẫu biểu sử dụng…

– Kiểm tra, đánh giá tốt nghiệp và bằng cấp đào tạo:

Thời gian học nghề kép từ 2 đến 3,5 năm tùy vào từng lĩnh vực ngành nghề và bậc đào tạo trong khung trình độ quốc gia. Khung trình độ quốc gia của CHLB Đức (ban hành năm 2013) quy định 8 bậc trình độ, đảm bảo tham chiếu với 8 bậc trình độ trong khung trình độ châu Âu, trong đó bậc đào tạo nghề gồm bậc 3, bậc 4 và bậc 6. Người tốt nghiệp học nghề kép được xếp bậc 3 hoặc bậc 4 tùy vào khóa đào tạo đăng ký (bậc 3 với thời gian đào tạo thời gian 2 năm, bậc 4 với thời gian đào tạo từ 3-3,5 năm)

Để tốt nghiệp, người học phải đỗ kỳ thi theo chuẩn quốc gia (nationwide standardized testing). Nội dung lý thuyết và thực hành trong các bài thi tốt nghiệp ở toàn bộ 16 bang đảm bảo theo chuẩn như nhau. Riêng thi lý thuyết được tổ chức thi chung, cùng một thời gian trên toàn quốc. Như vậy, dù nội dung đào tạo tại các trường nghề có thể không hoàn toàn giống nhau do được quy định bởi các chính quyền bang khác nhau, nhưng kỳ thi tốt nghiệp phải đảm bảo sự thống nhất cấp quốc gia và bằng cấp được cấp theo khung trình độ quốc gia.

Kỳ thi tốt nghiệp do các Phòng thương mại tổ chức. Phòng Thương mại có trách nhiệm lựa chọn những người có đủ năng lực, tư cách để tham gia Hội đồng kiểm tra gồm đại diện người sử dụng lao động, người lao động (do Hiệp hội doanh nghiệp đề cử) và giáo viên các trường nghề (do các Chính quyền từng bang quản lý). Các thành viên Hội đồng kiểm tra phải đảm bảo có mặt trong các ngày kiểm tra đánh giá và Hội đồng có trách nhiệm ghi chép các thủ tục trong quá trình kiểm tra và ghi bằng, chứng chỉ cho người tốt nghiệp.

Người tốt nghiệp khóa đào tạo nghề kép muốn học lên trình độ nghề cao hơn tương đương bậc 6 của Khung trình độ quốc gia thì có 2 lựa chọn gồm (i) học các khóa học lấy bằng cử nhân nghề (master craftman) do Phòng thương mại quản lý để (bằng cấp này là bằng cấp bắt buộc để dạy trong doanh nghiệp hay làm chủ doanh nghiệp) hoặc (ii) chuyển học bậc đại học hàn lâm.

Rõ ràng, do bối cảnh lịch sử và điều kiện giữa các quốc gia là khác nhau nên không thể sao chép y nguyên hệ thống đào tạo nghề kép của CHLB Đức sang một quốc gia khác. Tuy nhiên, việc nghiên cứu, tìm hiểu về mô hình đào tạo nghề kép của CHLB Đức sẽ rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm cho các nước có thể tham khảo trong hoạch định chính sách cũng như triển khai thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.